Đóng bảo hiểm tại nhiều nơi như thế nào?
Đóng bảo hiểm tại nhiều nơi như thế nào?
Đóng bảo hiểm tại nhiều nơi là một tình trạng khá phổ biến hiện nay, khi Chắc bạn đã biết điều 21, Bộ luật lao động quy định về cái việc:
Luật lao động không cấm người lao động ký kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động. Nếu bảo đảm được thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
Hay nói cách khác người lao động được đóng bảo hiểm tại nhiều công ty.
Nhưng bạn có chắc mình biết hết cụ thể đối với từng loại bảo hiểm không?
Nếu chưa thì bài viết này sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin cho bạn.
Đóng bảo hiểm tại nhiều nơi và chi tiết đối với từng loại
Quy định về BHXH khi đóng bảo hiểm tại nhiều nơi
Đầu tiên, theo cái Luật BHXH 2014 đầy u tối, à nhầm! đầy rắc rối thì đối với BHXH trong trường hợp bạn ký HĐLĐ với nhiều công ty khác nhau thì bạn và công ty ký hợp đồng đầu tiên với bạn phải đóng BHXH (chi tiết thì xem khoản 4, điều 85). Luật quy định thế thôi, chứ mấy ai làm nhiều công ty thế này, mình làm hốt rác (HR) gần chục năm cũng mới gặp dăm bảy người thôi à.
Xem thêm: Mức đóng BHXH 2019 mới nhất
Quy định về BHTN khi đóng bảo hiểm tại nhiều công ty
Thứ hai, đối với BHTN thần thánh nếu bạn đang ký nhiều HĐLĐ với nhiều công ty thì giống như BHXH là bạn và công ty đầu tiên ký hợp đồng với bạn phải đóng BHTN nhé. Nhớ đấy, đừng quên để mà cãi sếp khi trình ký cái gì nhé các HR – hotracers :). Đó là mình chém thế cho vui, cãi với sếp cần dở luật ra xem khoản 1, điều 43, luật việc làm 2013 (trang nào thì mình chịu nha).
À, quả này mách nước này. Nếu NLĐ ký hợp đồng với các công ty cùng trong 1 ngày thì yêu cầu NLĐ viết cam kết xác nhận ký hợp đồng với công ty nào trước. Còn nếu mà ký khác ngày thì xin cái bản photo hợp đồng ở công ty khác để biết là bên nào ký trước và kẹp cùng hồ sơ sau này còn giải trình này nọ nha mấy bạn, đừng ngây thơ quá ha.
Và tất nhiên, là mấy công ty ký hợp đồng sau thì phải trả cùng kỳ trả lương số tiền đáng lẽ phải đóng BHXH, BHTN cho NLĐ.
Tiếp, khi HĐLĐ ký với công ty đầu tiên mà chấm dứt hay thay đổi dẫn đến không thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHTN nữa thì mấy cái công ty ký sau sẽ đến lượt và chắc chắn là ông công ty kế tiếp đó rồi. Đọc luật nó chán nên mình viết vậy cho nó dễ hiểu, bạn nào thích đọc khô khan thì tìm đọc Điều 4, Nghị định 44/2013/NĐ-CP.
Nói là nói vậy thôi, chứ NLĐ họ không báo và cung cấp các hồ sơ thì không ai biết được đâu nên HR nào đang có những NLĐ như thế này thì phải dặn dò cẩn thận, cầu xin anh chị, anh chị nhớ giùm em không thì khổ cái thân già này lắm (hốt rác mà rồi đến tay cả thôi dù NLĐ có sai).
Xem thêm: Khóa học Thuế TNCN từ A – Z
Quy định về BHYT khi đóng bảo hiểm tại nhiều công ty
Thứ ba, nếu mình nói mãi ở trên mà bạn chưa hiểu thì mình nói lại lần nữa, hiểu rồi thì đọc thêm cho nó nhớ. Đó là, các nội dung trên cũng được quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH. Một quyết định được đánh giá là mở toang bao điều thầm kín, cụ thể là khoản 1, điều 42, mình nói lại ngôn ngữ thực tế cho nó dễ hiểu: Nếu bạn đồng thời ký nhiều HĐLĐ với nhiều công ty thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, còn đóng BHYT theo cái hợp đồng nào mà có mức tiền lương đóng cao nhất. Nó còn nói thêm là đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ.
BHYT đóng theo HĐLĐ có mức tiền lương đóng bảo hiểm bắt buộc cao nhất. Cái này cũng yêu cầu NLĐ bổ sung bản sao HĐLĐ để so sánh mức tiền lương bên nào cao hơn.
Đối với BHYT cũng vậy, các công ty còn lại phải trả vào cùng kỳ lương số tiền đáng lẽ phải đóng BHYT cho NLĐ và trường hợp chấm dứt HĐLĐ hay HĐLĐ thay đổi dẫn đến không đủ điều kiện tham gia BH bắt buộc nữa thì xử lý tương tự như BHXH, BHTN ở trên.
BHTNLĐ, BNN gọi là loại bảo hiểm đóng vào quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN. Cái này thì NLĐ không phải đóng mà công ty phải đóng cho NLĐ, tổng mức đóng vào quỹ này là 0.5% và phải đóng ở tất cả các hợp đồng ở các công ty. Các ông giáo muốn tìm hiểu kỹ hơn thì đây (Theo điểm b, Khoản 1, Điều 13, Nghị định 143/2018/NĐ-CP).
Ví dụ về đóng bảo hiểm tại nhiều nơi
Và bây giờ chúng ta cùng nhau làm 1 ví dụ để các bạn nắm được rõ hơn.
Xem thêm Khóa học Luật Lao động.
Ví dụ: Anh A đang ký hợp đồng lao động với cả công ty X và Y (công ty X ký hợp đồng lao động với anh A trước). Mức lương đóng bảo hiểm bắt buộc của anh A tại công ty X và Y lần lượt là 5.000.000 VNĐ/tháng và 6.000.000 VNĐ/tháng. Các ông giáo hãy cho biết anh A và các công ty X, Y đóng bảo hiểm bắt buộc như thế nào, mức bao nhiêu?
Trước tiên, ta sẽ xác định anh A đóng các loại bảo hiểm bắt buộc ở đâu:
BHXH và BHTN đóng tại công ty X vì công ty X ký hợp đồng lao động với anh A trước
BHYT đóng tại công ty Y vì mức lương đóng bảo hiểm bắt buộc của anh A tại công ty Y là cao hơn
Thứ hai, xác định mức đóng:
Anh A đóng tại công ty X:
BHXH = 8% * 5000000 = 400.000 VNĐ
BHTN = 1% * 5000000 = 50.000 VNĐ
Công ty X đóng cho anh A
BHXH = 17% * 5000000 = 850.000 VNĐ
BHTN = 1% * 5000000 = 50.000 VNĐ
BHTNLĐ, BNN = 0.5% * 5000000 = 25.000 VNĐ
Anh A đóng tại công ty Y:
BHYT = 1.5% * 6000000 = 90.000 VNĐ
Công ty Y đóng cho anh A:
BHYT = 3% * 6000000 = 180.000 VNĐ
BHTNLĐ, BNN = 0.5% * 6000000 = 30.000 VNĐ
Trên là chi tiết về đóng bảo hiểm tại nhiều nơi, nếu bạn xem mà không rõ phần nào thì nhớ bình luận bên dưới, mình sẽ trả lời bạn ngay. Và đừng quên chia sẻ cho các đồng nghiệp của bạn cùng biết nhé.
Đăng ký nhận những nội dung mới nhất từ HocNhanSu.Online
Chúng tôi luôn cập nhật thông tin mới nhất cho các nội dung của mình, nên hãy đăng ký ngay để theo kịp xu hướng trong ngành.