Chế độ thai sản cho nam giới cần xem ngay
Chế độ thai sản cho nam
Chế độ thai sản dành cho nam!?
Đúng rồi, bạn không nghe nhầm đâu. Nam giới cũng được hưởng chế độ thai sản.
Nhưng chỉ được hưởng trong một số điều kiện nhất định mà thôi.
Chi tiết như thế nào, bài viết này sẽ chia sẻ cụ thể cùng bạn.
Tại sao lại có chế độ thai sản cho nam giới?
Chế độ này chỉ mới được quy định gần đây tại Luật BHXH 2014, có hiệu lực ngày 01/01/2016. Đây được coi là một chế độ BHXH hết sức ý nghĩa, để lao động nam có thời gian ở bên vợ con trong những ngày mới sinh nở.
Đây cũng là một trong những điểm tiến bộ của xã hội, khi chúng ta tiếp cận với các nền kinh tế phát triển thế giới. Ở các quốc gia phát triển trên thế giới, chế độ thai sản dành cho nam giới đã có từ lâu và rất được quan tâm. Nhằm đảm bảo cho trẻ em có đầy đủ tình yêu thương và sự chăm sóc của ba mẹ.
Chế độ thai sản cho nam được quy định như thế nào?
Căn cứ Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Luật bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, chế độ thai sản cho nam từ ngày 01/7/2019 được thực hiện như sau:
Điều kiện hưởng chế độ thai sản cho nam
Lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ BHXH khi có vợ sinh con, với điều kiện là đang đóng BHXH (căn cứ tại điểm e, khoản 1, điều 31, Luật BHXH 2014).
Được hiểu là lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ BHXH cần đảm bảo hai điều kiện:
- Đang đóng BHXH (không kể đã đóng được bao lâu)
- Có vợ sinh con
Như vậy, nếu một lao động nam đang ký hợp đồng thử việc (không đóng BHXH) mà có vợ sinh thì lao động nam đó không được nghỉ hưởng chế độ BHXH.
Thời gian nghỉ đối với chế độ thai sản cho nam
Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con thì sẽ được nghỉ từ 05 đến 14 ngày làm việc. Số ngày nghỉ tùy thuộc vào việc người vợ sinh thường hay sinh mổ, sinh đơn, sinh đôi hay là sinh ba.
Và bắt buộc là phải nghỉ trong vòng 30 ngày đầu kể từ ngày sinh con.
Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
a) 05 ngày làm việc;
b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
_Khoản 2, điều 34, Luật BHXH 2014
Luật cũng có quy định thêm chế độ cho một số trường hợp đáng tiếc xảy ra khi người mẹ chết hoặc gặp rủi ro sau khi sinh.
Thì trong trường hợp này người cha sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
_Khoản 3, điều 34, Luật BHXH 2014
Ngoài ra, có thêm một số trường hợp khác nữa như:
- Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con. Thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.
- Nếu mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng và mẹ chết sau sinh thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
Lưu ý: Các trường hợp trên, nếu không nói rõ là ngày làm việc thì được hiểu là bao gồm cả ngày cuối tuần, ngày lễ, tết.
Xem thêm: Khóa học Luật Lao động
Mức hưởng chế độ thai sản cho nam
Mức hưởng = 100% x (Mức bình quân tiền lương / 24) x Số ngày được nghỉ
Giải thích công thức:
- Mức bình quân tiền lương: Mức mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ, không phải trước ngày sinh con. Vì thời gian nghỉ là trong vòng 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con, mà trong 30 ngày đó có thể tiền lương đóng BHXH đã thay đổi.
- 24: Số ngày quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội để tính chế độ thai sản, như công thức trên.
- Số ngày được nghỉ: Số ngày được hưởng chế độ thai sản của nam giới cho vợ sinh con.
Trong đó:
- Trường hợp đã đóng BHXH từ 6 tháng trở lên tính tới thời điểm sinh con thì mức bình quân tiền lương bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ.
- Trường hợp đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức bình quân tiền lương bằng mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng.
Ví dụ:
Anh A có vợ sinh con (sinh thường) vào ngày 16/07/2019, có quá trình đóng BHXH như sau:
- Từ tháng 02/2019 đến tháng 05/2019 (4 tháng) đóng BHXH với mức lương 5.000.000 đồng/tháng;
- Từ tháng 06/2019 đến tháng 07/2019 (2 tháng) đóng BHXH với mức lương 6.500.000 đồng/tháng.
Như vậy: Mức bình quân tiền lương = (5.000.000 x 4) + (6.500.000 x 2) / 6 = 5.500.000 (đồng/tháng)
Mức hưởng = 100% x (5.500.000 / 24) x 5 = 1.145.833 đồng.
Lưu ý: Những trường hợp nghỉ đủ tháng thì mức hưởng 01 tháng được tính như sau:
Mức hưởng 1 tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc 100% mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH đối với trường hợp đóng chưa đủ 6 tháng BHXH nhưng vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ.
Các trường hợp nghỉ đủ tháng thường là các trường hợp nghỉ dài ngày, nghỉ từ 1 tháng trở lên.
Xem thêm: Khóa học Tiền lương chuyên sâu.
Chế độ nghỉ việc khi thực hiện các biện pháp tránh thai
Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
- 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
- Thời gian hưởng chế độ này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai
1. Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
a) 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;
b) 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
2. Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
_Điều 37, Luật Bảo hiểm Xã hội 2014
Kết luận
Chế độ thai sản cho nam gồm những chế độ nào?
- Nghỉ hưởng BHXH khi có vợ sinh con (nghỉ ngắn ngày)
- Nghỉ hưởng chế độ thai sản thay cho người mẹ (khi người mẹ không tham gia BHXH, không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản hoặc gặp rủi ro)
- Nhận trợ cấp một lần khi vợ nhờ mang thai hộ
- Nghỉ hưởng BHXH khi thực hiện biện pháp triệt sản.
Đăng ký nhận những nội dung mới nhất từ HocNhanSu.Online
Chúng tôi luôn cập nhật thông tin mới nhất cho các nội dung của mình, nên hãy đăng ký ngay để theo kịp xu hướng trong ngành.